Trang Chủ Tin tức thời gian thực không người lái Cộng đồng người chơi thời trang Lời khuyên cuộc sống Âm nhạc Đầu tư mạo hiểm Tài chính Lữ đoàn văn hóa Sức khỏe Khách sạn thông minh Trẻ em món ăn Địa ốc Thể thao Xe hơi giáo dục

Ý nghĩa tông hiệu Leo XIV của tân Giáo hoàng

2025-05-09 HaiPress

Vatican ngày 8/5 công bố kết quả Mật nghị Hồng y,thông báo Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội là Hồng y Robert Francis Prevost,69 tuổi,đánh dấu lần đầu có Giáo hoàng quốc tịch Mỹ.

Tân Giáo hoàng chọn tông hiệu là Leo XIV. Tên gọi Leo đã được 13 Giáo hoàng tiền nhiệm sử dụng. Phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni xác nhận tân Giáo hoàng chọn tông hiệu này để gợi nhớ Giáo hoàng Leo XIII và học thuyết xã hội của nhà thờ (chú trọng đến vai trò của con người trong xã hội như gia đình,nghề nghiệp,thương mại,kinh tế,chính trị,vấn đề nóng của thời đại),đặc biệt là thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự),được coi là thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo hội Công giáo.

Tân Giáo hoàng Leo XIV xuất hiện trên ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter ngày 8/5. Ảnh: AFP

Giáo hoàng Leo XIII,tại vị 1878-1903,được biết đến là một nhà cải cách,tập trung vào ngoại giao,ủng hộ tiến bộ khoa học và định vị Giáo hội như một tổ chức bảo vệ nhân quyền.

Ông đã đặt nền móng cho tư tưởng xã hội Công giáo hiện đại,nổi bật với Rerum Novarum năm 1891,đề cập đến quyền của người lao động và các vấn đề xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa. Thông điệp này lên án việc bóc lột lao động,kêu gọi trả lương xứng đáng,nhấn mạnh xã hội lành mạnh bắt đầu từ gia đình vững mạnh,có đạo đức.

"Leo là một lựa chọn mạnh mẽ",Margaret Thompson,phó giáo sư lịch sử tại Đại học Syracuse,Mỹ,nhận xét. "Lựa chọn của tân Giáo hoàng Leo XIV báo hiệu trọng tâm mục vụ của ông trong thúc đẩy công lý,công bằng lao động và vai trò của Giáo hội trong thế giới hiện đại".

Bruce Morrill,giáo sư thần học,chuyên gia Công giáo La Mã ở Đại học Vanderbilt,đồng tình,cho hay lựa chọn tông hiệu Leo XVI của tân Giáo hoàng "rất có ý nghĩa" và có thể là chỉ dấu cho thấy ông ủng hộ công lý xã hội.

"Tông hiệu là chỉ dấu sâu sắc cho thấy cam kết với các vấn đề xã hội",Natalia Imperatori-Lee,trưởng khoa tôn giáo học tại Đại học Manhattan,nói. "Tân Giáo hoàng Leo XIV đang gửi đi thông điệp về công lý xã hội qua lựa chọn này,rằng đó là ưu tiên hàng đầu. Ông ấy đang tiếp nối nhiều hoạt động mục vụ của Giáo hoàng Francis".

Chân dung Giáo hoàng Leo XIII. Ảnh: Reuters

Chọn tông hiệu là một trong những hành động đầu tiên của tân Giáo hoàng sau khi được bầu làm người đứng đầu Giáo hội. Đây là tiền lệ được thiết lập từ thời Trung cổ,dù Giáo hội không có quy định về việc này.

Nhiều Giáo hoàng chọn tông hiệu theo hướng tôn vinh một vị thánh,người tiền nhiệm nổi bật,hoặc một biểu tượng mà ông muốn tiếp nối. John là tông hiệu phổ biến nhất,được 21 Giáo hoàng lựa chọn,tiếp đến là Gregory,Benedict,Clement và Leo.

Trong số 13 giáo hoàng chọn tông hiệu Leo,5 người đã được phong thánh,gồm các Thánh Leo I,Leo II,Leo III,Leo IV và Leo IX.

Thánh Leo I,hay Leo Cả,trở thành giáo hoàng năm 440 trong bối cảnh Đế chế La Mã suy tàn. Ông nổi tiếng vì đối đầu,thuyết phục quân đội của Attila Rợ Hung không tấn công Rome qua ngoại giao. Ông là người kiên định với các giáo lý chính thống,góp phần định hình Giáo hội sơ khai.

Thánh Leo IX,lãnh đạo Vatican giai đoạn 1049-1054,được biết đến là nhà cải cách,giúp đưa Giáo hội trở thành trung tâm đời sống tôn giáo ở châu Âu. Nhưng ông cũng là Giáo hoàng chứng kiến cuộc Đại Ly giáo Đông - Tây (chia rẽ giữa Giáo hội Công giáo La Mã và Chính thống giáo Đông phương).

Tông hiệu Leo cũng có thể gợi nhớ đến Tu huynh Leo,vị tu sĩ là bạn thân thiết của Thánh Francis thành Assisi hồi thế kỷ 13. Bằng tên này,tân Giáo hoàng Leo XIV cũng có thể đang ngầm ám chỉ ông sẽ tiếp nối mạnh mẽ di sản của Giáo hoàng Francis.

Giáo hoàng Francis chọn tông hiệu này để tôn vinh Thánh Francis thành Assisi,người nổi tiếng với tình yêu hòa bình,thiên nhiên,quan tâm đến người nghèo,nỗ lực gắn kết các hệ phái trong Giáo hội. Những giá trị này đã định hình trọng tâm mục vụ trong triều đại của ông.

Những tông hiệu được 5 Giáo hoàng trở lên lựa chọn. Đồ họa: CNN

Giáo hoàng Leo XIV,đến từ thành phố Chicago,bang Illinois,Mỹ. Trước khi được bầu làm Giáo hoàng,ông dành phần lớn thời gian sự nghiệp để truyền giáo ở Nam Mỹ. Ông là giám mục giáo phận Chiclayo,tây bắc Peru từ năm 2015 đến 2023. Ngoài quốc tịch Mỹ,ông còn mang quốc tịch Peru sau khi nhập tịch năm 2015.

Ông được Giáo hoàng Francis phong làm Hồng y từ năm 2023 và gần đây phụ trách Thánh Bộ Giám mục của Vatican. Ông được cho là thông thạo 5-6 thứ tiếng.

Trong phát biểu đầu tiên,Giáo hoàng Leo XIV đã phác thảo tầm nhìn của ông về một Giáo hội "xây dựng những nhịp cầu và tham gia vào đối thoại". Ông kêu gọi mọi người "thể hiện lòng bác ái" và "đối thoại bằng tình yêu thương".

Đức Trung (Theo USA Today,AFP,Vatican News)

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
© Bản quyền 2009-2020 Mạng lưới du lịch việt nam      Liên lạc với chúng tôi   SiteMap