2024-06-24 HaiPress
Mề đay xuất hiện ở mọi lứa tuổi,triệu chứng điển hình như nổi mẩn đỏ,sẩn phù (các cục u hoặc sẩn màu đỏ nhạt trên da),ngứa,khó chịu,viêm nhiễm mỗi khi gãi hay chà xát,da nổi mụn nước.
Có hai loại mề đay là cấp tính và mạn tính. Trong đó,tình trạng cấp tính thường kéo dài 2-3 ngày,xuất hiện đột ngột,các nốt sần tập trung ở một số vùng da hoặc toàn thân. Mề đay mạn tính kéo dài hơn 6 tuần,biểu hiện phát ban,nổi sẩn ngứa màu hồng,đỏ hay trắng nhạt trên da. Bệnh dai dẳng và tái phát liên tục,làm thay đổi màu da,ảnh hưởng sức khỏe,tinh thần và chất lượng sống. Nghiêm trọng hơn,nổi mề đay còn kèm phù mao mạch dị ứng,sưng phồng và bít tắc đường thở,phải cấp cứu,dễ gây chết não do ngạt thở,tụt huyết áp,nguy hiểm đến tính mạng.
Ngày 24/6,tiến sĩ,bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích,khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da,Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM,cho biết một tháng qua bệnh viện ghi nhận 400 người đến khám do nổi mề đay. Đa phần nguyên nhân liên quan đến bụi do xây nhà,sửa nhà,tân trang nhà,nước sơn nhà mới,đặc biệt là dị ứng với không khí (bụi,phấn hoa,lông,cỏ) quanh khu vực sinh sống,nhiệt độ thay đổi...
Khi thay đổi nơi ở,chuyển đến nhà mới hay tới vùng đất khác,mọi người dễ tiếp xúc với các dị nguyên trong môi trường như phấn hoa,lông thú,bụi,nhiệt độ... Bác sĩ Bích giải thích lúc này cơ thể giải phóng histamine và các chất trung gian làm các mạch máu nhỏ giãn nở và dịch từ mạch máu thoát ra,tích tụ trong da (phù mạch),gây viêm (nóng) và phát ban đỏ. Các vết sưng phù nhỏ hình thành do chất lỏng tích tụ dưới da. Tùy vào cơ địa của mỗi người mà những tác nhân gây mề đay cũng khác nhau. Các xét nghiệm dị nguyên có thể giúp xác định nguyên nhân gây bệnh.
Đơn cử chị Trang,45 tuổi,nổi mề đay thành các mảng lớn,ngứa từ cổ xuống chân,sau một tháng chuyển tới nhà trọ mới. Kết quả xét nghiệm 60 dị nguyên cho thấy chị Trang dị ứng với bụi,mạt bụi. Con trai chị nổi mề đay nhẹ hơn,chỉ mẩn đỏ ở cổ,xét nghiệm cho thấy dị ứng với mạt nhà.
Tương tự,Hiền,21 tuổi,vừa chuyển nhà và đi chơi xa về thì ngứa da,sẩn phù rải rác toàn thân,nổi mẩn đỏ ở bụng,chân,đùi,mụn nước ở tay,uống thuốc không bớt. Sau khi khám và xét nghiệm 60 dị nguyên,Hiền được chẩn đoán nổi mề đay và nhiễm nấm do thay đổi môi trường.
Bác sĩ Bích kiểm tra các dấu hiệu nổi mề đay của người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Mề đay ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống người bệnh,cần điều trị để cải thiện tình trạng. Trước hết,bác sĩ tìm căn nguyên bệnh và tư vấn người bệnh loại bỏ tác nhân gây bệnh,dùng thuốc kháng histamine nhằm giảm triệu chứng viêm. Trường hợp bị mề đay mạn tính phải kết hợp nhiều loại thuốc khác. Nếu thuốc kháng histamine không có tác dụng,bác sĩ kê thêm thuốc steroid dạng uống hay chích,hoặc dùng thuốc sinh học để kiểm soát phản ứng viêm trong bệnh mề đay.
Chị Trang và con trai được kê đơn thuốc để giảm các triệu chứng,đồng thời dùng thuốc bôi giảm ngứa. Tái khám sau một tuần,các nốt sần gần như biến mất,chị hết ngứa và khó chịu. Còn Hiền được kê đơn thuốc uống và bôi theo toa,tái khám theo lịch hẹn nếu có dấu hiệu bất thường.
Bác sĩ Bích khuyến cáo sống lành mạnh,mặc quần áo rộng rãi,ở nơi thông thoáng,sạch sẽ,tránh dùng xà phòng có độ tẩy rửa cao. Nếu xác định được nguyên nhân nổi mề đay,người bệnh nên tránh tiếp xúc với yếu tố đó. Người có cơ địa dị ứng,thường xuyên tái phát mề đay nên mang theo thuốc điều trị để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Đức Trí
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp
01-09
01-09
01-09
01-09
01-09
01-09
01-09
01-09
01-09
01-09